Nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ người nông dân khi tham gia trồng cây mắc ca được kỳ vọng sẽ là cây trồng làm giàu tại nhiều địa phương trong cả nước.
Ngày 6-5, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đã tổ chức Hội nghị thường niên năm 2017, đồng thời xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ cơ bản của Hiệp hội trên chặng đường tiếp theo.
Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, lãnh đạo các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Lai Châu, Quảng Trị, Ban Chấp hành Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, đại diện Hiệp hội các trang trại Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Điều Việt Nam.
Theo ông Huỳnh Ngọc Huy, Tổng thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, thời gian qua, hiệp hội đã có nhiều chương trình thiết thực hỗ trợ người trồng mắc ca trên cả nước. Trong đó, đã mở các lớp tập huấn, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật chọn giống, chăm sóc, thu hoạch mắc ca cho hàng ngàn lượt nông dân. Hiệp hội cũng đã tổ chức khảo sát, hỗ trợ giống và xây dựng mô hình điểm tại một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Còn theo Ông Dương Công Minh, Chủ tịch hiệp hội mắc ca Việt Nam, hiện nay Công ty Cổ phần Him Lam đã cam kết đầu tư 1.000 tỷ đồng phát triển cây mắc ca tại tỉnh Lâm Đồng. Ngân hàng Bưu điện Liên Việt cũng đã triển khai 2 gói tín dụng ưu đãi với tổng vốn cam kết là 13.000 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân trồng mắc ca, các tổ chức – doanh nghiệp thu mua, chế biến sản phẩm mắc ca khu vực Tây Nguyên, trong đó 10.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi để phát triển mắc ca tại tỉnh Lâm Đồng và 3.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi để phát triển mắc ca và cây công nghiệp tại tỉnh Đắk Nông.
Tại khu vực Tây Nguyên, theo Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, đến nay đã tổ chức tư vấn cho vay và đào tạo canh tác cây mắc ca với trên 4.000 lượt nông dân tham dự. Đồng thời, lập báo cáo trình Thủ tướng về tình hình phát triển cây mắc ca ở Việt Nam, đề xuất những chính sách cho sự phát triển ngành mắc ca ở Việt Nam.
Cũng trong dịp này, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và Viện điều tra quy hoạch rừng đã ký kết xây dựng cơ sở dữ liệu, quy hoạch phát triển mắc ca tại Việt Nam. Ngân hàng Bưu điện Liên Việt chi nhánh Sơn La và công ty mắc ca Điện Biên cũng đã ký kết thỏa thuận cung cấp tín dụng cho dự án trồng mắc ca tại Điện Biên trị giá 372 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam sẽ cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thống kê đầy đủ và chi tiết thực trạng của mắc ca Việt Nam hiện nay như diện tích trồng, các loại giống đã trồng, phương thức trồng cũng như soạn thảo các quy trình, quy chuẩn về giống, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản mắc ca…