Sáng 20/3, Công ty TNHH DaLaVi tham dự hội thảo đánh giá cảm quan sản phẩm mắc ca kết hợp với trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và xin ý kiến đóng góp, hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Lâm Đồng” do Chi nhánh Công ty CP Sở hữu công nghiệp INVESTIP tổ chức, làm nền móng giúp nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, cơ sở kinh doanh quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và khai thác các thế mạnh của địa phương.
Đại diện các Sở Khoa học và Công nghệ, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội mắc ca Việt Nam, Phòng Kinh tế, Phòng Nông nghiệp của các huyện trong tỉnh Lâm Đồng đến dự.
Nhiều đơn vị sản xuất, thu mua, sơ chế, chế biến và kinh doanh mắc ca trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tham gia trưng bày, quảng bá, giới thiệu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm mắc ca tại hội thảo, trong đó có Công ty TNHH DaLaVi.
Một số hình ảnh trưng bày sản phẩm mắc ca:
- Trưng bày, quảng bá, giới thiệu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm mắc ca của tỉnh Lâm Đồng, đánh giá cảm quan các mẫu sản phẩm trực tiếp tại Hội trường.
- Tham luận của các đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm mắc ca trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, chuyên gia đánh giá cảm quan sản phẩm mắc ca.
- Lấy ý kiến đóng góp và thống nhất về: Chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Lâm Đồng”; Bản đồ khu vực địa lý tương ứng với sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Lâm Đồng”; mẫu nhãn hiệu chứng nhận dự kiến đăng ký bảo hộ.
- Lấy ý kiến đóng góp và hoàn thiện Quy chế Quán lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Lâm Đồng”; Bản mô tả về tính chất, chất lượng, danh tiếng của sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận, Bộ tiêu chí chứng nhận cho sản phẩm mắc ca mang nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Lâm Đồng”.
Qua khảo sát, sản phẩm mắc ca của tỉnh Lâm Đồng hiện nay đều gắn với thương hiệu của các công ty, cơ sở, hợp tác xã chế biến như: Hạt mắc ca Tây Nguyên, Mắc ca Lâm Hà, Hạt mắc ca Việt,… mà chưa có một nhãn hiệu chung.
Bởi vậy cần điều tra, nghiên cứu thực trạng sản xuất, chế biến và kinh doanh sản phẩm mắc ca trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; xây dựng mô hình quản lý và kiểm soát chất lượng sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Lâm Đồng”; triển khai thí điểm 3 mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Lâm Đồng” theo chuỗi giá trị và truy xuất nguồn gốc.
Lâm Đồng hiện đang đứng đầu khu vực Tây Nguyên cũng như cả nước về diện tích và sản lượng mắc ca. Việc thực hiện thành công nhiệm vụ “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Lâm Đồng” sẽ góp phần xây dựng thêm cho tỉnh Lâm Đồng một thương hiệu mạnh trên thị trường, tiến tới mở rộng xuất khẩu, đặc biệt thị trường tiềm năng EU…
Nguồn tham khảo: baolamdong.vn