Mắc ca: không chỉ là chuyện xuống giống

Trang chủ » Tin tức » Mắc ca: không chỉ là chuyện xuống giống

Trồng và phát triển mắc ca, một cây trồng mới là một trong những chính sách ưu tiên của nông nghiệp Lâm Đồng. Tuy nhiên, nảy sinh từ thực tế, trồng mắc ca không đơn giản chỉ là chuyện xuống giống bởi nếu không có hành động đúng, cây mắc ca sẽ mang lại hệ lụy lớn cho người nông dân và kế hoạch phát triển mắc ca của Lâm Đồng. Giống và chất lượng giống chính là câu hỏi lớn nhất đối với việc phát triển cây mắc ca, đây cũng là ý kiến của hàng trăm nông dân Bảo Lâm đã tham gia hội thảo về trồng và hình thành tổ hợp tác trồng mắc ca với mong muốn có thêm một loài cây phù hợp trên đất Lâm Đồng.

Vườn mắc ca 20 ha của ông Trần Văn Ngọ, xã Liên Hà, huyện Lâm Hà. Ảnh: D.Quỳnh 

Ông Đào Duy Phi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm cho biết: “Cách đây tầm 5 đến 6 năm, nông dân Lộc Nam nhận giống từ Công ty Đức Anh về trồng mắc ca, nói chung cũng trồng xen trong vườn cà phê là chủ yếu. Tuy nhiên, có nhà đã ra trái, có nhà lại không hề có trái nào, hoa ra rất nhiều nhưng rụng hết. Trồng nhiều năm không ra trái khiến nông dân chúng tôi rất thất vọng và giờ vận động bà con trồng mắc ca là rất băn khoăn”.

Chuyện của nông dân Lộc Nam, Bảo Lâm cũng là chuyện của không ít nông dân Lâm Đồng. Ở nhiều nơi như Đà Lạt, Lạc Dương, nhiều bà con trồng mắc ca đã phải phá bỏ do nhiều năm nhưng cây chưa có trái. Điều này gây thiệt hại lớn vì cây mắc ca là cây trồng lâu năm, thời gian chờ đợi của bà con khá lâu, không nhanh chóng chuyển sang trồng cây khác như cà phê hay chè.

Với cây mắc ca, những gia đình đã cho trái cũng băn khoăn về đầu ra của sản phẩm. Hiện tại, 1 kg hạt mắc ca được thu mua với giá từ 80 ngàn – 110 ngàn đồng tùy độ lớn nhỏ. Tuy nhiên, mức giá này có ổn định và lâu dài không, nếu xảy ra tình trạng dội hàng, không có người mua, nông dân sẽ bán cho ai? Những câu hỏi trên cho thấy bà con đã có ý thức rất nghiêm túc khi tiếp cận với loài cây đã để lại dấu ấn với nông dân và rất cần được các đơn vị liên quan đánh giá và trả lời một cách nghiêm túc.
Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, hiện toàn tỉnh có 1.236 ha mắc ca, với 100 ha trồng thuần, còn lại là trồng xen trong vườn cà phê. Các địa phương trồng chủ yếu gồm Bảo Lâm 183 ha, Lâm Hà 175 ha, Đức Trọng 150 ha, còn lại là trồng rải rác. Trong số đó, có 92 ha bắt đầu cho trái với năng suất trung bình 1,5 tấn/ha. Sau khi cây mắc ca thành thục, năng suất của cây sẽ đạt khoảng 3 tấn/ha, ngang ngửa năng suất chung của thế giới.
Tuy nhiên, Chi cục cũng xác nhận có xảy ra tình trạng cây mắc ca đủ tuổi không sinh trái và nông dân chặt bỏ. Trước câu hỏi của nông dân cách giải quyết việc cây không sinh trái, đại diện Chi cục cho hay, hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể, có thể là do giống, có thể là do kỹ thuật chăm sóc chưa chuẩn. Chi cục khuyến cáo bà con nên chọn các giống đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp chứng nhận, điều này sẽ giảm thiểu nguy cơ cây không ra trái.
Ông Võ Duẩn, Giám đốc Công ty Him Lam Lâm Đồng, đơn vị đang xúc tiến liên kết với nông dân phát triển mắc ca cho biết, hiện công ty đang thực hiện thủ tục xin phép xây dựng nhà máy chế biến hạt mắc ca trên địa bàn huyện Đơn Dương nhằm đảm bảo tiêu thụ hết sản phẩm hạt của bà con. Tuy nhiên, có hai vấn đề công ty chia sẻ, đó là bà con cần chọn cây mắc ca ghép do trái lớn, đạt chuẩn chế biến thế giới thay cho cây thực sinh trái nhỏ. Và giá cả, bà con phải chấp nhận giá cả thị trường thế giới chứ công ty không dám khẳng định đảm bảo giá cố định với nông dân.
Câu chuyện trồng – ra trái hay không đang là rào cản lớn nhất với việc phát triển cây mắc ca. Những câu hỏi này đang cần cơ quan chức năng giải đáp để thực hiện mục tiêu mở rộng cây mắc ca.
Ghi nhận từ một cuộc hội thảo
Mới đây, tại Hội thảo định hướng, chính sách và các biện pháp kỹ thuật phát triển cây mắc ca do Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng, Sở Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, Công ty TNHH MTV Him Lam Mắc ca và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt phối hợp tổ chức tại huyện Di Linh, các nhà khoa học và các nhà quản lý đã khẳng định cây mắc ca là một loại cây trồng có giá trị kinh tế cao và rất thích hợp với vùng đất Lâm Đồng và cả Tây Nguyên. Vấn đề quan trọng cần đặt ra là phải có định hướng, chính sách và các biện pháp để phát triển.
Giáo sư Nguyễn Lân Hùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam

Đối với cây mắc ca, bà con chúng ta không nên bàn có nên trồng hay không, mà hãy bàn tính là làm sao để trồng có hiệu quả. Bởi vì đây là một loại cây trồng đã được Hiệp hội Mắc ca Việt Nam khẳng định là rất hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế cao, mà đặc biệt là ở vùng đất Tây Nguyên này; trong đó, có Lâm Đồng.

Với cây mắc ca, Việt Nam chúng ta đã trồng cách đây hơn 20 năm, nhưng mới bắt đầu phát triển trong những năm gần đây. Tây Nguyên là vùng đất số 1 đối với cây mắc ca. Điều mà chúng ta cần lưu ý, Lâm Đồng đã trồng mắc ca trong 6 – 7 năm trở lại đây, nhưng có không ít bà con nông dân không thành công, do mắc ca không có trái hoặc ít trái. Tôi khẳng định, đó là hoàn toàn do giống. Chính vì cây mắc ca có nhiều loại giống, nên trước đây không ai kiểm soát được, bà con mua trôi nổi trên thị trường; nếu mua phải giống xấu là thất bại. Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đã giao cho Công ty Him Lam Mắc ca nghiên cứu, nhân giống và lập vườn ươm để cung cấp cây giống mắc ca. Do vậy, nếu bà con đã lỡ trồng mắc ca năng suất kém thì phải nhổ bỏ, trồng lại bằng giống mới hoặc chọn những cây sinh trưởng tốt, cưa và giữ lại gốc để ghép chồi bằng giống mới.
Ông Võ Duẫn – Giám đốc Công ty TNHH MTV Him Lam Mắc ca

Với vai trò là một nhà cung cấp giống để phát triển mắc ca trên địa bàn Lâm Đồng và cả Tây Nguyên, chúng tôi đã tham quan, học tập và nghiên cứu, tuyển chọn những giống mắc ca ở các nước. Công ty TNHH MTV Him Lam Mắc ca đã xây dựng vườn ươm rộng gần 4 ha tại xã Tu Tra (huyện Đơn Dương) với hệ thống nhà kính, nhà lưới, tưới phun tự động… Hiện nay, Công ty đã sản xuất được 500.000 cây giống mắc ca ghép đạt chất lượng cao, gồm 14 giống: QN, OC, 246, 695, 800, 816, 842, 849, 788, 741, A4, A38, 344 và DD. Đây là những giống đã được trồng khảo nghiệm, cho năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với các tỉnh Tây Nguyên và đặc biệt là Lâm Đồng.

Vào đầu mùa mưa 2017, Công ty chúng tôi dự kiến sẽ cung ứng cây giống cho bà con nông dân trong vùng quy hoạch phát triển mắc ca đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt. Giá bán 1 cây giống là 80.000 đồng. Tuy nhiên, để hỗ trợ nông dân, Công ty giảm 20% (16.000 đồng), bà con chỉ mua với giá 64.000 đồng/ 1 cây. Cùng với việc cung ứng cây giống, Công ty chúng tôi còn tư vấn, hướng dẫn bà con nông dân kỹ thuật trồng và chăm sóc mắc ca. Ngoài ra, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt còn hỗ trợ nông dân vay vốn với mức cho vay 80% tổng chi phí dự án trồng mắc ca. Lãi suất cho vay chỉ 7%/ 1 năm và thời hạn cho vay tối đa là 10 năm.
Ông Nguyễn Văn Danh – Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng

Hiện tại, toàn tỉnh đã trồng 1.236 ha mắc ca. Theo quy hoạch phát triển cây mắc ca mà UBND tỉnh đã phê duyệt là định hướng đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ phát triển cây mắc ca khoảng 4.000 ha và đến năm 2030 là 15.000 ha. Lâm Đồng có nhiều địa phương có thể phát triển được mắc ca và cây mắc ca giữ vai trò quan trọng trong tái cơ cấu nông nghiệp.

Trong việc phát triển cây mắc ca, bà con nông dân cần lưu ý là nên trồng xen mắc ca với các loại cây trồng khác. Để phát triển cà phê bền vững, việc trồng cây che bóng nên trồng mắc ca là tốt nhất, vì cây mắc ca là loại cây có lợi thế trồng xen và để nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích. Điều quan trọng nhất trong việc phát triển mắc ca là bà con không nên trồng bằng cây giống thực sinh mà chỉ trồng bằng cây giống ghép. Trong thời gian vừa qua, nhiều bà con phản ánh là mắc ca không ra hoa, không ra quả. Đó là do bà con trồng cây giống không rõ nguồn gốc. Hiện nay, Công ty TNHH MTV Him Lam Mắc ca là đơn vị đã xây dựng vườn ươm mắc ca đầu dòng và chịu trách nhiệm cung ứng cây giống mắc ca ghép cho nông dân.
XUÂN LONG (Lược ghi)
(Theo Báo Lâm Đồng)
Bài viết liên quan
dau-macca
dau-macca-3
dau-hat-mac-ca-la-gi-nhung-cong-dung-cua-dau-hat-mac-ca (4)